Ở cái thời mà cái điện thoại còn dùng để liên lạc. Cái máy ảnh là một món đồ xa xỉ. Có một nghề được sinh ra nhờ chính nhu cầu, mong muốn được lưu giữ kỉ niệm, một món quà treo tường khi đi du lịch về. Đó là nghề chụp ảnh lưu niệm.
Những người thợ này khi đó xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ bãi tắm công cộng đến những khu vui chơi, giải trí. Họ biến nghề chụp ảnh trở thành nghề hái ra tiền và luôn là một phần tất yếu của bất kỳ chuyến du lịch nào.

Tuy nhiên, trong lần đi Vũng Tàu mới đây. Tôi không còn nhận ra họ nữa. Ít ra là tôi không cần cái dịch vụ này ở thời điểm hiện tại. Chất lượng ảnh của những chiếc điện thoại đã quá đủ với mong muốn chụp ảnh của tôi. Và như một điều tất yếu, khi khách hàng có thể tự chụp, họ không cần dịch vụ này nữa.
Vậy câu hỏi là tại sao một dịch vụ gần như đã chết như vậy nhưng vẫn có người bám nghề, tại sao không thay đổi, không làm nghề khác?. Tôi nghĩ có 2 lý do chính dẫn đến việc này
Thứ nhất là họ không ngờ rằng cuộc chơi đã thay đổi quá nhanh. Cách đây 5-10 năm trước thì đây vẫn là một nghề có thu nhập ổn định. Việc cạnh tranh khốc liệt của thị trường điện thoại, kéo theo các nhà sản xuất phải tăng cường nâng cấp camera. Và rồi với những chiếc điện thoại mới ra đời, khách hàng lúc này không cần thợ nữa, vì chính họ cũng có thể thành nhiếp ảnh gia chỉ với vài thao tác.
Suy cho cùng, trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết. Nhưng ở cái thời đại số này, trâu bò ở nơi khác húc nhau nhưng mà mình vẫn chết. Họ đâu ngờ cái điện thoại nhỏ xíu trong túi quần lại là tác nhân đánh vào túi tiền
Thứ hai là họ đã bước qua cái thời mà có thể thay đổi. Đa phần những người thợ này cũng đã đi với nghề 20-30 năm, họ rất khó để nhảy qua nghề khác. Lớp trẻ sau này lên quá nhanh, và đương nhiên với sức trẻ thì họ có thể làm nhiều hơn, nhận lượng thấp hơn. Điều mà các anh chị lớn tuổi không thể làm vì còn mang gánh nặng gia đình và sức khỏe.
Ai cũng hô hào khẩu hiểu “thay đổi hay là chết”. nhưng “thay đổi như thế nào mà vẫn sống” mới là điều các người thợ này quan tâm. Vì lúc này bên cạnh họ còn có vợ, con, họ hàng, bạn bè và rất nhiều những quan hệ công sinh khác nữa. Họ sợ, tôi tin là như vậy. Nếu thay đổi mà “toang” thì như thế nào. Cho nên, nói thì dễ lắm, làm được mới khó.
Tổng kết lại, khi công nghệ phát triển thì cơ hội của những người thợ này sẽ càng ít đi. Bài toán nào cho họ, qua trang hay trở thành một phần của lịch sử. Tôi cũng không biết. Nhưng ít ra 10-20 năm tới, khi tôi kể cho con cái nghe về những bức ảnh treo trên tường, sẽ không thể thiếu câu nói: “hồi đó đi chơi mà có tấm ảnh mang về là sướng lắm”